Bài viết chuyên sâu
Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ liên quan đến thực phẩm - các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là một vấn đề nóng, nổi cộm trong tình hình hiện nay, một vấn đề được các cấp bộ Đảng, chính quyền và người dân quan tâm đặc biệt. Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ liên quan đến thực phẩm - các cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.
Mặc dù Nhà nước và các cấp chính quyền đã có nhiều văn bản quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP nhưng nhiều hộ và tổ chức kinh doanh, dịch vụ ăn uống không nghiêm chỉnh chấp hành, làm cho tình trạng mất ATTP vẫn đang trở nên phổ biến, là nỗi lo thường trực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mọi người. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên phản ánh về những tình trạng vi phạm ATTP như: các chuyến xe chở hàng thực phẩm, thịt ôi thiu không rõ nguồn gốc để cung cấp cho các cơ sở chế biến, cho các nhà hàng, cho các bếp ăn tập thể, trường học; thông tin về trứng gà giả, về rau, củ, quả nhiễm hóa chất và đặc biệt gần đây xuất hiện “Công nghệ” chế biến thịt bò tươi từ thịt lợn nái v.v.... Đã có nhiều vụ bị ngộ độc do mất ATTP tại các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, tại các trường học thỉnh thoảng lại diễn ra. Đã có không ít người phải vào cấp cứu trong bệnh viện, có nhiều trường hợp bị nguy kịch đến cả tính mạng; nhiều bệnh mới xuất hiện cũng từ nguyên nhân mất vệ sinh ATTP mà ra. Tiếp cận những thông tin này người tiêu dùng không khỏi lo sợ, hoang mang và cũng chưa biết tìm ra những biện pháp nào để có thể thoát ly, rời xa khỏi ảnh hưởng của cơn lốc mất ATTP hiện nay.
Đoàn KT duy trì kiểm tra hàng tuần đối với các cửa hàng KD ăn uống
Quan tâm đến vệ sinh ATTP - đảm bảo đời sống sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, đoàn thể; đặc biệt trong những dịp tết, lễ hội thì việc bảo đảm ATTP càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Bám sát chỉ đạo của thành phố, quận Long Biên về công tác an toàn thực phẩm, UBND phường Sài Đồng đã ban hành các kế hoạch về công tác an toàn thực phẩm trong năm cũng như các đợt cao điểm như “ Kế hoạch an toàn thực phẩm năm 2023”; “ Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp tết nguyên đán và lễ hội năm 2023”; “Kế hoạch tháng an toàn thực phẩm” và triển khai tới các ngành, đoàn thể, tổ dân phố.
Ban chỉ đạo Vệ sinh an toàn thực phẩm phường do đồng chí chủ tịch UBND phường làm trưởng ban đã thường xuyên được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả.
Kiểm tra,nhắc nhở và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm
Để bảo đảm vệ sinh ATTP trong đời sống tại các khu vực dân cư, Ban chỉ đạo đã xác định phải tích cực thực hiện các biện pháp phòng (không để tình trạng mất vệ sinh ATTP diễn ra) và chống (khắc phục những hậu quả do tình trạng mất ATTP). Để thực hiện tốt biện pháp phòng, chống thì công việc đầu tiên là phải thực hiện công tác truyên truyền rộng khắp trong toàn thể nhân dân và các hộ, các tổ chức kinh doanh dịch vụ có liên quan đến thực phẩm. Thông tin để người hiểu rõ thế nào là mất vệ sinh ATTP, nguyên nhân và cách ứng xử khi các tình huống xảy ra.
Trong năm 2022 và quý I/2023, phối hợp với đài truyền thanh phường trạm y tế đã biên tập nội dung phát 30 tin tuyên truyền về vệ sinh ATTP, thông tin tình hình thị trường, các biện pháp phòng tránh mất ATTP; phát 80 tờ rơi; tổ chức 4 buổi tập huấn (về phòng và chống) cho gần 300 người là các đồng chí Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng ban công tác Mặt trận, các hộ kinh doanh, nghe về công tác ATTP. Tổ chức khám sức khoẻ cho gần 100 người hành nghề kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt, năm 2023, thực hiện chủ đề công tác năm của quận, BCĐ phường đã xin ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy, đăng ký với UBND quận xây dựng tuyến phố Sài Đồng thành tuyến phố “ An toàn thực phẩm có kiểm soát”.
Ngoài việc tổ chức tuyên truyền, UBND phường đã tổ chức các đoàn thường xuyên đi kiểm tra tại các chợ 230, chợ Vũ Xuân Thiều cùng các cơ sở kinh doanh liên quan đến thực phẩm. Trên địa bàn phường hiện có 101 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó riêng tuyến phố Sài Đồng có 31 cơ sở gồm 15 cơ sở cấp phường quản lý, 16 cơ sở cấp quận quản lý. Để xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, UBND phường đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc đáp ứng tiêu chí của các hộ kinh doanh tại tuyến phố, kết quả có 27/31 cơ sở đáp ứng, còn 4 cơ sở cấp quận quản lý đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Không chỉ tăng cường tại tuyến phố Sài Đồng, tuyến ngõ 42 phố Sài Đồng cũng là tuyến có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Từ đầu năm, tổ công tác của phường đã kiểm tra 56/101 cơ sở, xử phạt 10 lượt cơ sở với số tiền 15 triệu đồng.
Ngoài ra, thực hiện tháng cao điểm an toàn thực phẩm, tổ công tác đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực công thương, nông nghiệp với 13/40 cơ sở được kiểm tra, xử phạt 6 cơ sở, tổng số tiền 10 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm như đeo khẩu trang, mũ thường được đoàn KT nhắc nhở
Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và BCĐ an toàn thực phẩm trong công tác tuyên truyền và các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng của người dân và sự chấp hành nghiêm chỉnh của đa số các hộ, tổ chức cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến thực phẩm nên trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong dịp Tết dương lịch, Tết nguyên đán và đang trong mùa lễ hội, trên địa bàn các khu vực dân cư trong toàn Phường không xảy ra trường hợp nào bị ngộ độc thức ăn do mất ATTP. Mặc dù đã thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nhưng vẫn còn những cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, lực lượng tham gia kiểm tra xử lý còn mỏng, kiêm nhiệm, số cơ sở kinh doanh nhiều nên cần có sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ dân phố trong công tác tuyên truyền, phát hiện vi phạm để UBND phường xử lý kịp thời. UBND phường cũng sẽ thông báo công khai khi phát hiện các trường hợp vi phạm về ATTP để nhân dân được biết và lựa chọn những cơ sở đảm bảo an toàn. Đồng thời, mỗi người dân hãy chủ động tìm hiểu thông tin về an toàn thực phẩm qua các kênh truyền thông chính thống, là người tiêu dùng thông minh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Nguồn: Bí thư CB 14, Đàm Thị Nga